Những kiểu phỏng vấn bạn nên biết khi là ứng viên

Nói ngắn gọn. Nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian của họ cho bạn. Họ còn có những người khác nữa.

Trước khi tham gia các buổi phỏng vấn, hẳn là có nhiều bạn vẫn rất lo lắng rằng không biết mình sẽ được phỏng vấn ra sao, không biết buổi phỏng vấn sẽ như thế nào. Với bài viết này, mình hi vọng sẽ giúp các bạn hình dung được phần nào những nhằm giúp các bạn có được sự chuẩn bị trước khi bước chân tới với nhà tuyển dụng. Có một câu nói nổi tiếng rằng “Việc thiếu sự chuẩn bị chính là sự chuẩn bị cho thất bại”. Đừng ngại khi hỏi trước nhà tuyển dụng kiểu phỏng vấn nào sẽ được sử dụng. Sau đây là 6 kiểu phỏng vấn phổ thông nhất:

I. Phỏng vấn một đối một.

Đây là kiểu phỏng vấn truyền thống nhất khi mà bạn sẽ được phỏng vấn trực tiếp bởi người đại diện cho công ty. Người đại diện này thường là cán bộ tuyển dụng hoặc quản lý trực tiếp vị trí trí mà bạn đang ứng tuyển… Bạn có thể được hỏi các câu hỏi dựa trên những gì bạn thể hiện trên CV hoặc thư giới thiệu của mình. Các câu hỏi thường gặp thường sẽ có dạng “hãy chứng minh bạn phù hợp với công việc” hoặc “hãy tự giới thiệu về bản thân của bạn”. Thông thường thì với hai kiểu người phỏng vấn khác nhau sẽ có hai cách đặt câu hỏi khác nhau.
Với cán bộ tuyển dụng, họ quan tâm nhiều tới việc bạn có phù hợp với công việc này hay không. Khả năng cũng như định hướng của bạn trong tương lai có thể sẽ là vấn đề họ quan tâm. Với một số các công ty lớn, bộ phận tuyển dụng còn quan tâm tới việc bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, khả năng làm việc nhóm, sở thích cá nhân và khả năng hòa nhập của bạn.
Còn với các nhà quản lý, việc phù hợp với đội làm việc hay vị trí là điều chắc chắn. Bên cạnh đó họ cũng cần nắm được khả năng làm việc của bạn, những dự án mà bạn từng tham gia, kinh nghiệm ở những dự án đó.
Nhưng dù là với đối tượng nào, chuẩn bị trước các câu hỏi và câu trả lời liên quan chắc chắn sẽ hỗ trợ bạn nhiều trong buổi phỏng vấn. Hay ít ra, điều đó cũng giúp cho bạn tự tin thể hiện bản thân hơn trước nhà tuyển dụng. Một vài kinh nghiệm khi bạn tham gia phỏng vấn mà topCV đã đúc kết được:
– Hãy sử dụng mô hình SWOT để tự phân tích bản thân. Nếu bạn chưa biết tới mô hình này, topCV sẽ giúp bạn trong bài viết về SWOT. Hiểu được và phân tích được bản thân mình, bạn sẽ dễ dàng trả lời được câu hỏi:”bạn là ai? bạn có gì? tại sao chúng tôi lại cần tuyển bạn?”
– Hãy viết ra những dự án bạn đã làm có liên quan tới công việc, những bài học bạn học được từ những dự án đó. Những chia sẻ của bản thân về công việc cũng rất quan trọng.
– Lựa chọn trang phục công sở, thoải mái khi tham gia buổi phỏng vấn. Hãy chọn bộ trang phục giúp bạn cảm thấy tự tin nhất. Giống như một buổi thi vấn đáp. Việc tự tin hỗ trợ bạn rất nhiều khi thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng.
– Mang theo một cuốn sổ tay nhỏ và một cây viết. Chép lại những lưu ý của nhà tuyển dụng, chuẩn bị cho những câu hỏi là dạng bài toán, viết trước một vài gạch đầu dòng chuẩn bị cho buổi phỏng vấn… Ít nhất, bạn cũng sẽ biết được mình sẽ để hai tay ở đâu trong lúc phỏng vấn. Đã có rất nhiều bạn chia sẻ với topCV rằng đôi tay họ trở nên thừa thãi khi tham ra phỏng vấn.
– Cuối cùng không kém phần quan trọng. Hãy tìm hiểu về công ty, ghi chúng lại đồng thời chủ động hỏi về công ty và công việc mình ứng tuyển. Hẳn là ai cũng sẽ chú ý nhiều hơn tới ứng viên có quan tâm tới công ty và công việc mình tham gia.

II. Phỏng vấn hội đồng

Mô hình phỏng vấn thứ hai thường thấy là phỏng vấn hội đồng. Bạn sẽ được phỏng vấn bởi một nhóm các phỏng vấn viên. Những phỏng vấn viên này có thể đến từ nhiều bộ phận khác nhau như phòng tuyển dụng, quản lí, các nhân viên cùng làm trong bộ phận bạn ứng tuyển. Lí do cho việc phỏng vấn này là để nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian đánh giá ứng viên. Mỗi thành viên trong hội đồng sẽ luân phiên hỏi bạn. Nhưng nhiều trường hợp sẽ chỉ có một vài người hỏi, số còn lại sẽ quan sát. Lời khuyên của topCV dành cho các bạn sẽ giống như hình thức phỏng vấn đầu tiên. Ngoài ra bạn nên chú ý thêm một vài điểm nữa:
– Một vài bạn thường bị mất bình tĩnh trước đám đông. Hãy khắc phục nhược điểm này của bạn bằng việc uống một li nước, tự khích lệ bản thân trước khi tham gia phỏng vấn. TopCV không thể đưa ra một lời khuyên chính xác phù hợp với mọi hoàn cảnh thế nhưng biết được yếu điểm của mình, bạn sẽ nhanh tróng khắc phục được nó thôi. Hãy tự tin lên.
– Trong khi nghe câu hỏi, bạn hãy chú ý vào người đặt câu hỏi. Khi trả lời, bạn hãy eye contact (tương tác bằng mắt) với tất cả các thành viên trong hội đồng bởi lẽ không chỉ có một người mong đợi câu hỏi của bạn.
– Việc phải trả lời câu hỏi từ nhiều phía sẽ khiến cho bạn mất bình tĩnh hoặc không thể nghe được rõ câu hỏi. Hãy hỏi lại, đừng ngại. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn quan tâm tới câu hỏi của họ chứ không phải rằng bạn đang lơ đễnh.

III. Phỏng vấn nhóm

Đại đa số các công ty có đợt tuyển dụng lớn sẽ sử dụng mô hình này. Mô hình phỏng vấn nhóm sẽ giúp giảm bớt chi phí và thời gian cho nhà tuyển dụng khi cần tuyển mốt số lượng lớn các ứng viên. Thông thường nhà tuyển dụng sẽ giới thiệu qua về công ty. Sau đó các ứng viên sẽ tự giới thiều về mình và lần lượt trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Một trong những điều rất quan trọng của phỏng vấn nhóm đó là làm nổi bật được bản thân bạn trước những người phỏng vấn cùng. Một vài gạch đầu dòng sau có lẽ sẽ hữu ích với bạn:
– Nổi bật không có nghĩa là bạn sẽ chọn một bộ trang phục lòe loẹt, khác người. Hãy chọn cho mình một bộ trang phục thể hiện được tính cách của bạn cũng như có điểm nhấn. Quan trọng nhất là không gây cảm giác khó chịu cho bạn.
– Bạn nên tận dụng thời gian khi nhà tuyển dụng hỏi những ứng viên khác. Đó có thể là câu hỏi của bạn hoặc bạn cũng có thể học thêm được điều gì đó từ các câu trả lời.
– Nếu nhà tuyển dụng đặt cùng một câu hỏi và để các ứng viên cùng trả lời.Trong trường hợp này thường thì các câu hỏi không phải trả lời đúng hay sai mà vấn đề ở chỗ nhà tuyển dụng sẽ thấy khả năng phản ứng nhanh nhạy của các ứng viên. Vì thế bạn cần bình tĩnh trả lời nhanh, tuy nhiên cũng đừng hấp tấp giành trả lời khi chưa nghĩ ngay ra phương án hay. Nếu đối thủ của bạn đã trả lời rồi thì bạn cũng không được ngắt lời của người ta mà hãy chờ người ta nói xong đã. Khi mình trả lời cũng không được chê bai câu trả lời của người trước.
– Nói ngắn gọn. Nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian của họ cho bạn. Họ còn có những người khác nữa.

IV. Phỏng vấn hành vi

Nếu bạn đã xem những chương trình truyền hình thực tế hoặc những cuộc thi như “Việt Nam Next Top Model”, mô hình phỏng vấn này rất phổ biến. Một người bình thường sẽ thể hiện được nhiều điều với kiểu phỏng vấn này. Nó đường như là một buổi thử việc thu nhỏ của bạn.Hãy cố gắng chuẩn bị trước như việc luyện tập trước một vài kĩ năng bạn sẽ sử dụng trong công việc. Nếu nhà tuyển dụng mang đến cho bạn những câu hỏi logic hoặc một trò chơi nào đó. Bạn hãy dành một chút thời gian suy nghĩ trước khi bắt tay vào thực hiện yêu cầu. Cách mà bạn giải quyết vấn đề sẽ có ý nghĩa rất lớn với nhà tuyển dụng.

V. Phỏng vấn qua điện thoại

Phỏng vấn qua điện thoại sẽ được thực hiên khi các ứng viên ở xa hoặc nhà tuyển dụng muốn liên hệ trực tiếp với các ứng viên ngay lập tức. TopCV đã từng có một lần thất bại trong phỏng vấn khi không có kĩ năng với kiểu phỏng vấn này. Đó là khi topCV tham gia phỏng vấn ứng tuyển vào một vị trí của Facebook. Mọi thứ đã không được suôn sẻ như mong đợi. Tuy nhiên cũng nhờ những thất bại đó mà topCV có được nhưng tip nhỏ chia sẻ với các bạn.
– Chú ý về thời gian. Thông thường thì các công ty đa quốc có xu hướng sử dụng mô hình phỏng vấn này. Chính vì điều này mà việc lệch múi giờ là một vấn đề cần được lưu tâm.
– Thiết bị và chất lượng cuộc gọi ảnh hưởng rất lớn đến cuộc phỏng vấn của bạn. Hãy chuẩn bị cho mình một chiếc điện thoại có khả năng nghe gọi tốt. Bạn cũng có thể tìm một vài địa điểm thích hợp với cuộc phỏng vấn như không ồn ào, sóng điện thoại ổn định.
– Phỏng vấn qua điện thoại được chuẩn bị trước đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ. Có lẽ rằng bạn chỉ thiếu khi công cụ 50/50 tromg chương trình ai là triệu phú mà thôi.
– Hãy nói to thêm 20% so với bình thường. Đừng nói quá to bởi không ai muốn nghe những câu như thể bạn đang quát họ trong điện thoại cả. Tốt nhất, bạn nên hỏi người phỏng vấn để có thể điều chỉnh âm lượng của mình cho phù hợp. Trong phỏng vấn qua điện thoại, nói chậm lại 20% cũng là một yêu cầu. Sẽ không nhà tuyển dụng nào tiếc việc thêm 20% tiền điện thoại để đổi lấy một ứng viện tốt đâu.
– Luyện tập nụ cười nhẹ nhàng khi nghe điện. Có thể nhà tuyển dụng sẽ không thể thấy bạn cười. Tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và hạn chế làm việc riêng hay chú ý tới những vấn đề khác trong lúc phỏng vấn.

VI. Phỏng vấn trong bữa ăn

Đây là lối phỏng vấn thường thấy ở một số các đợt phỏng vấn nhỏ. Nhà tuyển dụng sẽ mời bạn ăn trưa và tiến hành trao đổi. Có thể đây là hình thức phỏng vấn ít được phổ biến tại Việt Nam so với các hình thức khác. Nhà tuyển dụng muốn phỏng vấn theo cách này nhằm đánh giá khả năng giao tiếp của bạn. Cũng có khá nhiều buổi phỏng vấn dạng này được thực hiện làm một buổi phỏng vấn thứ hai. Đây sẽ là thời gian tuyệt vời để đặt các câu hỏi với nhà tuyển dụng. Vậy nên chắc chắn rằng các câu hỏi của bạn thực sự có suy nghĩ và chuẩn bị từ trước. Chú ý là bạn đang được phỏng vấn trong bữa ăn chứ không phải là một buổi phỏng vấn về món ăn.
– Đừng chọn món ăn nào có giá quá cao hay khó khăn để ăn chúng. Làm sao bạn có hứng thú để nói chuyện trong khi vẫn còn đang loay hoay cắt miếng thịt bò. Bạn sẽ muốn tìm hiểu một vài quy tắc ứng xử trên bàn ăn mà topCV đã từng chia sẻ tại đây.
– Ăn từng miếng nhỏ để không bị đưa vào thế bị động khi nhà tuyển dụng hỏi bạn một câu hỏi. Bạn không nên nói chuyện khi trong miệng còn thức ăn, nên thoải mái trao đổi cởi mở với nhà tuyển dụng.
– Sau bữa ăn bạn nên cảm ơn nhà tuyển dụng và viết thư cảm ơn đồng thời bày tỏ thái độ quan tâm đối công việc khi về tới nhà.

Cuối cùng, để tổng kết lại, bạn hãy ghi nhớ một kinh nghiệm mà topCV từng được chia sẻ:”Quan hệ giữa nhà tuyển dụng và ứng viên là quan hệ ngang hàng. Mục tiêu của các buổi phỏng vấn chính là sự hiểu nhau. Một nhà tuyển dụng sáng suốt sẽ không chỉ đánh giả bạn giỏi hay kém. Họ sẽ đánh giá bạn có là người phù hợp với công việc hay không”.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *